» » Quy định trồng lúa lời 30% giá thành, có nhầm không?

VINAGRI NewsBộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát hôm 19-11 đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng nói rằng "Chính phủ có quy định mức lời cho nông dân làm lúa là 30% so với giá thành sản xuất". Theo tôi, có sự nhầm lẫn ở nội dung trả lời này.

Nông dân ra đồng thăm lúa - Ảnh: Huỳnh Kim Hải

Theo như lời ông bộ trưởng thì mua lúa tạm trữ nhằm để đảm bảo nông dân lời 30% so với giá thành. Theo tôi được biết, không có mục tiêu nào đề ra như vậy trong chính sách mua lúa tạm trữ.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 7-2-2013 đã ký Quyết định số 311/QĐ-TTg về “mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân năm 2012-2013”. Quyết định này không hề nhắc đến việc đảm bảo nông dân lời 30% so với giá thành. Chỉ có thấy điều 3 quy định: “Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp có kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn mua số thóc, gạo tạm trữ trên. Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”.

“Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh” thì nông dân chúng tôi hiểu tức là thương nhân có quyền mua lúa với giá dưới mức lời 30%, miễn là đúng giá thị trường thời điểm đó và kinh doanh có hiệu quả.

Vụ hè thu năm 2013, tôi làm giống lúa OM 6976 bán được với giá 4.250 đồng/kg, do năng suất lúa vụ hè thu thấp nên giá thành lên rất cao. Theo Bộ Tài chính, giá thành bình quân ở tỉnh Đồng Tháp là 4.619 đồng/ kg, mức giá thành bình quân của cả ĐBSCL là 4.142 đồng, như vậy, vụ hè thu này tôi làm lúa từ hòa vốn đến lỗ chứ chẳng lời được đồng nào cả.

Vậy, nếu mục tiêu mua lúa tạm trữ của Chính phủ là đảm bảo cho nông dân lời 30% so với giá thành thì mục tiêu này đã không thực hiện được vì tôi và nhiều người khác bán dưới giá thành chứ đừng nói là "đảm bảo có lời 30%".

Thực ra, trước đây, vào ngày 23-12-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ký Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực, trong đó điều III khoản 4 mục a “khuyến khích nông dân giữ đất lúa” quy định: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”.

Thế nhưng, như trên đã phân tích, nông dân chúng tôi hiểu là Quyết định số 311/QĐ-TTg với quy định cho thương nhân mua lúa theo giá thị trường thì có nghĩa là đã bỏ tinh thần của Nghị quyết số 63/NQ-CP.

Cho nên, khi Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng mua tạm trữ “chỉ khi nào người trồng lúa không đảm bảo có lãi 30% như mục tiêu đã đề ra thì mới sử dụng để ngăn chặn suy giảm giá do mất cân đối cung cầu” thì hình như ông đã quên Quyết định số 311/QĐ-TTg.

Đến đây, tôi mong rằng, các nhà lãnh đạo, các phương tiện truyền thông xin đừng bao giờ nói mục tiêu mua lúa là để đảm bảo cho nông dân lời 30% so với giá thành sản xuất, vì nó không có cơ sở, và vì mức lời 30% so với giá thành là một mức lời chết đói.

Quy định giá thu mua lúa là để đảm bảo đời sống của nông dân, mà muốn đảm bảo đời sống của nông dân phải nói đến thu nhập. Muốn cho thu nhập của nông dân hợp lý, phải điều tra năng suất và diện tích của nông dân rồi mới tính % lợi nhuận sao cho thu nhập của nông dân đủ sống.

Ấn định giá mua lúa mà chỉ căn cứ duy nhất vào lợi nhuận, là một cách làm phiến diện và vô nghĩa. Vì năng suất thấp, diện tích ít thì dù lợi nhuận hơn 30% nông dân vẫn ngày càng nghèo hơn.

Quy định nông dân lời 30% so với giá thành là tách giá lúa của nông dân ra khỏi giá gạo trên thị trường thế giới.

Nông dân làm lúa là để xuất khẩu, cho nên, giá lúa của nông dân phải căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu.

Giả sử, giá gạo trên thị trường thế giới quy ra giá lúa nông dân lời đến 100%, nhưng với cách hiểu lâu nay sẽ dẫn đến doanh nghiệp chỉ cần mua sao cho nông dân lời 30%, và thế là 70% lợi nhuận còn lại doanh nghiệp hưởng trọn.

Tôi xin được nói là tôi không tin nếu ai đó giải thích rằng đây là quy định mức lãi “tối thiểu”, giá mua lúa có thể cao hơn, nên nông dân có thể lời 50 - 70% giá thành.

Quy định nông dân lời 30% so với giá thành sẽ khiến cho giá gạo Việt Nam xoay quanh mức 400 đô la Mỹ/ tấn.

Khi Chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách mua lúa giá cao cho nông dân Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Thái Lan lên trên 500 đô la Mỹ/tấn. Thế nhưng, giá bán gạo của Việt Nam vẫn ở mức dao động trên dưới 400 đô la Mỹ/tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do căn cứ vào mức lời 30% này, vì bán gạo giá trên dưới 400 đô la Mỹ/tấn là đã đủ để mua lúa cho nông dân lời 30% so với giá thành.

Huỳnh Kim Hải (Đồng Tháp, theo TBKTSG)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: