» » ĐBSCL: Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

VINAGRI NewsĐược mệnh danh là “bồ lúa”, “vựa trái cây và thủy sản” của cả nước, thế nhưng người dân ĐBSCL vẫn còn nghèo. Câu hỏi luôn đặt ra là làm thế nào để phát triển vùng kinh tế trọng điểm này?

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghệ sau thu hoạch, trong đó hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được xem là bước đi đột phá.

Cam sành Tam Bình ngon nổi tiếng và nay mở rộng sang Trà Ôn.

Thế mạnh đồng bằng

ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu hecta, nằm trong vùng khí hậu ôn hòa. Với mênh mông biển rộng, sông dài, kinh ngòi chằng chịt, ĐBSCL là “kho” thủy hải sản dồi dào, nhiều đặc sản. Nếu An Giang nổi tiếng với cá tra, cá ba sa thì vùng biển Cà Mau nòng cốt hàng thủy sản với các ngư trường cá mực, điểm đến của các đoàn tàu đánh bắt xa bờ. 

Toàn vùng hiện có 24 doanh nghiệp nuôi cá tra được chứng nhận GlobalGAP với tổng diện tích hơn 1.000ha. Phú Quốc (Kiên Giang) có nguồn cá cơm cùng với nghề làm nước mắm cổ truyền tạo thương hiệu lừng danh cho hòn đảo này.

Cần Thơ “gạo trắng nước trong” là Tây Đô- thủ phủ miền Tây nổi tiếng lúa gạo, cây ăn trái, đặc biệt nuôi thủy sản. Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre với vườn cây trái bát ngát, bốn mùa xum xuê, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường, một số giống đã có thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn…

Theo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, trong hơn 3 năm qua, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ đã cải tạo thêm 20.000ha vào trồng các loại cây ăn trái đặc sản, nâng tổng diện tích toàn vùng lên 83.000ha. 

Nếu năm 2011, trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ thì hiện nay đã mở rộng lên trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đối với cây lúa, cánh đồng mẫu lớn đang triển khai tại nhiều tỉnh, thành được xem là lời giải mối liên kết trong tiêu thụ lúa hàng hóa hiện nay.

Tại Vĩnh Long, ông Phan Nhựt Ái - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, năm 2013 toàn tỉnh có 1.682ha làm cánh đồng mẫu lớn, lợi nhuận tăng gần 4 triệu đồng/ha so sản xuất lúa thường. Bước đầu, có nhiều công ty lương thực ký hợp đồng bao tiêu. Dự kiến năm 2014, tỉnh sẽ mở rộng thêm 1.300ha, nâng tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn toàn tỉnh lên gần 3.000ha.

Tiến tới nông nghiệp công nghệ cao

Thị trường thế giới quy định ngày càng khắt khe về chất lượng nông sản. Muốn xuất khẩu, đòi hỏi phải thay đổi tập quán, giống, phương pháp canh tác, khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xây dựng thương hiệu nông sản chung cho khu vực chưa đạt được như kỳ vọng và tầm vóc.

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ: Hàng năm ĐBSCL đảm bảo lương thực cho 40% dân số và cung cấp đến 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy vậy, do quy mô nhỏ lẻ và thiếu sức cạnh tranh nên sản xuất lúa gạo vẫn chưa mang lại hiệu quả cao cho chính nông dân.

Việc hình thành và phát triển những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất lúa gạo nặng về tính hình thức mà chưa đi vào chiều sâu, thiếu tính đồng thuận và ràng buộc cũng như sự hỗ trợ từ các bên liên quan.

Trong khi đó, diện tích trái cây lớn, sản lượng nhiều nhưng trái cây đạt chuẩn ít là khó khăn lớn nhất hiện nay. Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh) dù đạt chứng nhận nhưng vẫn còn sản xuất manh mún, mẫu mã, chất lượng thiếu đồng nhất nên cạnh tranh cũng kém!

Để có thể đưa sản phẩm nông nghiệp “hội nhập”, ông Võ Thành Thống- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố bám sát vào việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hướng giảm các loại hóa chất độc hại, tiến tới chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn sạch.

Tỉnh An Giang cũng đang xây dựng 8 quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao là: phát triển lúa chất lượng cao- lúa đặc sản; phát triển rau màu; phát triển thủy sản; phát triển chăn nuôi; phát triển nấm ăn, nấm dược liệu; bảo tồn và phát triển cây dược liệu; sản xuất hoa lan, cây kiểng; phát triển vùng cây ăn trái, cây đặc sản.

Nông nghiệp công nghệ cao là bước tiến quan trọng để sản phẩm nông nghiệp hội nhập.

Sau khi các đơn vị như Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, Hợp tác xã Chôm chôm Tích Khánh (Trà Ôn) và Doanh nghiệp Biofeed với sản phẩm cá tra được trao chứng nhận hàng nông nghiệp sạch toàn cầu GlobalGAP, giai đoạn 2011- 2015, Vĩnh Long xác định tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt tăng trưởng cao, chất lượng và bền vững; khuyến khích sản xuất theo VietGAP hoặc GlobalGAP để có những sản phẩm an toàn. Đây được xem là nhân tố tích cực để “hội nhập” nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, để xây dựng thành công nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại ĐBSCL cần phải có cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư một cách có hiệu quả từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tìm lời giải cho bài toán liên kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp. 

Ông Bùi Ngọc Sương- Phó trưởng BCĐ Tây Nam Bộ cho biết, đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng đề án xúc tiến đầu tư chung cho ĐBSCL dựa trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu phát triển của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh không có lợi giữa các tỉnh, thành. 

Tuy vậy, Chính phủ cũng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để cải thiện môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2015, mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ 3- 5 doanh nghiệp và 2- 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Giai đoạn 2016- 2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7- 10 doanh nghiệp, 5- 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bài, ảnh: Hoàng Minh/ Báo Vĩnh Long

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: