» » Vasep: Không lo cạnh tranh từ tôm Indonesia

VINAGRI NewsTheo Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, năm 2013 nước này có thể sản xuất được 608.000 tấn tôm các loại, tăng 192.000 tấn so với năm 2012. Vì thế, đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tỏ ra lo ngại trước khả năng mất thị phần về tay các doanh nghiệp Indonesia.


TBKTSG đã trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) xung quanh vấn đề này.

Tổng cục Thủy sản vừa dẫn thông tin từ Bộ Biển và Nghề cá Indonesia cho biết, nhờ áp dụng chương trình nuôi tôm theo hướng công nghiệp hóa nên có thể sản xuất được 608.000 tấn tôm. Điều này khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lo lắng. Là người có nhiều năm làm việc trong ngành thủy sản, ông có nhận xét gì?

- Nếu thông tin này đúng thì vào thời điểm hiện tại cũng không ảnh hưởng đến nguồn cung của thế giới. Nguyên nhân là do trong năm nay Thái Lan bị ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm khiến sản lượng giảm khoảng 30%. Tức là năm nay lượng tôm mà Thái Lan bị thất thu so với mọi năm gần tương đương với lượng tôm mà Indonesia tăng thêm. Một khi nguồn cung không biến động thì giá bán những sản phẩm chế biến từ tôm sẽ ổn định.

Do đó, theo tôi hiện tại doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không cần quá chú tâm đến sự cạnh tranh từ tôm Indonesia.

Còn về lâu dài thì sao?

- Hiện Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 500.000 tấn tôm thẻ chân trắng và tôm sú và hầu như đã có những đơn hàng để tiêu thụ hết số lượng này. Phải nói thêm, Việt Nam có nhiều năm tham gia vào thị trường xuất khẩu tôm nên việc Indonesia tăng được sản lượng là một chuyện, còn doanh nghiệp nước này có tìm kiếm được đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới hay không là một chuyện khác.

Vì thế, theo tôi nếu ngành tôm Việt Nam có chiến lược đúng thì không phải quá lo lắng về sự cạnh tranh từ doanh nghiệp Indonesia cả trong dài hạn.

Theo ông chiến lược đúng ở đây là gì?

- Năm nay, sản lượng tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 40%, còn lại là tôm sú. Vì thế, nếu chúng ta giữ được tỷ lệ này thì không có gì phải lo ngại đối với các nước nuôi tôm trong khu vực. Đơn giản, thế mạnh của Thái Lan là tôm thẻ chân trắng, Việt Nam tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong vài năm trở lại đây nhưng chủ yếu ở quy mô công nghiệp, còn nuôi quảng canh vẫn là tôm sú. Về lâu dài, diện tích nuôi tôm quảng canh khó có thể chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng vì không hiệu quả bằng tôm sú.

Hiện các mặt hàng giá trị gia tăng từ tôm sú của Việt Nam đang được nhiều thị trường như Mỹ, Nhật ưa chuộng. Do đó, chừng nào Việt Nam còn sản lượng tôm sú nhiều hơn tôm thẻ chân trắng thì chúng ta không cần lo ngại từ sự cạnh tranh từ các nước Thái Lan, Indonesia.

Một yếu tố khác để nhà nhập khẩu quyết định mua hàng từ nước nào còn phụ thuộc vào hệ thống logistics (dịch vụ hậu cần cho doanh nghiệp như vận tải, khai báo thuế, nhận hàng), cũng như sự ổn định về nguồn cung của sản phẩm.

Nếu các nhà nhập khẩu từ Nhật, Mỹ hay châu Âu đã có mối quan hệ làm ăn lâu năm với doanh nghiệp Việt Nam thì không dại gì họ lại bỏ dở nửa chừng để quay sang Indonesia vì lúc đó họ phải làm lại dịch vụ hầu cần, khai báo thuế… vốn mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp nếu giá bán của chúng ta tương đương với nước bạn.

Ngoài ra, chẳng có gì đảm bảo những sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm của Indonesia sẽ tốt hơn Việt Nam vì nếu họ làm được điều này thì doanh nghiệp Việt Nam (vào những lúc thiếu nguyên liệu) đã không nhập tôm Indoseia để chế biến ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất đi.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hùng/ The Saigon Times thực hiện

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: