» » Gian nan tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ - kỳ III

VINAGRI NewsCác chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) ngành tôm Việt Nam nói riêng, DN ngành thủy sản nói chung cần phải chủ động có những biện pháp phòng tránh các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của các thị trường nhập khẩu đang ngày càng gia tăng.

Doanh nghiệp cần chủ động có giải pháp phòng tránh các vụ kiện chống bán phá giá

Kỳ III: Bài học từ những vụ kiện

Tiềm ẩn nguy cơ các vụ kiện

DN Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá, không chỉ tôm, các mặt hàng thủy hải sản, mà cả nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, bởi khi kinh tế hội nhập với thị trường thế giới càng sâu thì nguy cơ bị kiện càng lớn.

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ từ năm 1996 sau khi lệnh cấm vận kinh tế được bãi bỏ. Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu lớn về mặt hàng tôm, mang đến rất nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu tôm, nhưng có hệ thống luật pháp và các rào cản thương mại cực kỳ chặt chẽ.

Trong những năm qua, lượng tôm xuất khẩu vào Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Chính điều này đã làm Liên minh Tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) nộp đơn khởi kiện "chống bán phá giá tôm" và Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ khởi kiện “chống trợ cấp” lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) do nghi ngờ các công ty tôm Việt Nam nhận được các khoản trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam hay không (ở cấp quốc gia, cấp tỉnh hoặc cấp địa phương), gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tôm của Mỹ.

Luật thuế chống bán phá giá là một công cụ được sử dụng phổ biến trên thị trường Hoa Kỳ, nhằm bảo hộ nền công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp thuế chống bán phá giá vô lý lên tôm Việt Nam, lần đầu tiên, vào trung tuần tháng 9/2013, DOC đã phải công nhận, các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ.

Bắt đầu từ quý II/2013, xuất khẩu tôm phục hồi và liên tục tăng qua các tháng và tăng so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 8, xuất khẩu tôm có mức tăng trưởng cao nhất 65,5%, đạt 335 triệu USD. Dự kiến xuất khẩu tôm năm 2013 sẽ đạt trên 2,4 tỷ USD.

Cần chủ động ứng phó

Vấn đề chống bán phá giá cũng như chống trợ cấp là một trong những lĩnh vực khá mới, rất phức tạp và khó đối với không những các cơ quan quản lý nhà nước mà đối với các DN. Chính vì vậy, cả cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng và các DN đều phải có những biện pháp chủ động đối phó với những vụ kiện.

Từ vụ kiện chống bán phá giá, một bài học rút ra là, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, thay vì như hiện nay, để tăng được sản lượng xuất khẩu, các DN đã đua nhau giảm giá xuất khẩu. Để đảm bảo vấn đề này, cần thiết phải áp dụng giá sàn xuất khẩu tôm, có giải pháp để thực thi hiệu quả và phải có chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp DN cố tình bán dưới giá sàn quy định.

Mặt khác, theo quy định của Hoa Kỳ, mỗi năm đều có rà soát cuối cùng để quyết định đưa mặt hàng nào đó ra khỏi danh mục các sản phẩm chống bán phá giá. Do đó, DN xuất khẩu tôm cần rút ra bài học và nhớ rằng, việc kiểm tra của DOC luôn nghiêm ngặt và xem xét hàng năm. Bởi vậy, điều quan trọng là DN không được chủ quan, tránh tình trạng bán phá giá.

Để giúp các DN nắm bắt được các quy định của pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, chủ động đối phó với các vụ kiện của thị trường thế giới với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và đề nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ với hàng hóa của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, Sở Công Thương Hà Nội dự kiến tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo về nội dung trên vào cuối tháng 10 đầu tháng 11/2013. Thông tin về nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức sẽ được đăng tải trên website của Sở Công Thương Hà Nội trước ngày tổ chức, đề nghị các DN quan tâm đăng ký tham dự.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng để chủ động đối phó các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, là DN phải minh bạch trong các tài liệu ghi chép, sổ sách kế toán... từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất khẩu. Khi xảy ra vụ kiện, DN cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra, chủ động hợp tác với phía đi điều tra, sẽ mang lại lợi ích cho DN. Bên cạnh đó, việc trả lời các câu hỏi điều tra trong một vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến điều tra về thiệt hại và biên độ bán phá giá thường rất phức tạp, dài, khó và gắn kết với nhau rất chặt chẽ. DN cần trả lời các câu hỏi logic, rõ ràng và có thể chứng minh được. Vì thông tin gửi cho DOC là những thông tin thực tế (factual information), do đó, nếu DN đưa ra thông tin mâu thuẫn, phía cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào đó để cho rằng, những thông tin này là không đáng tin cậy và có thể dẫn đến việc họ sẽ hủy bỏ toàn bộ các thông tin khác, ảnh hưởng rất xấu đến vụ kiện.

Vai trò của hiệp hội ngành hàng cực kỳ quan trọng trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Trong các vụ kiện tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đã hỗ trợ hiệu quả DN trong việc tập hợp lực lượng, huy động được sự đoàn kết, thống nhất cao trong cộng đồng các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam để đối phó và thực hiện các công việc giải quyết vấn đề kiện tụng. VASEP có vai trò quan trọng trong điều hòa lợi ích của các DN, đại diện và bảo vệ lợi ích của cộng đồng DN; hỗ trợ giúp đỡ các DN chuẩn bị tài liệu, hồ sơ chứng minh, trả lời số lượng lớn và phức tạp các câu hỏi của DOC và ITC trong thời gian ngắn; giải quyết các vấn đề khó khăn, mâu thuẫn nảy sinh cũng như hợp tác đầy đủ với luật sư trong quá trình vụ kiện.

Ở một khía cạnh khác, trong vụ kiện chống trợ giá tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ, tuy Hoa Kỳ đã hủy vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam, nhưng đây chính là lời cảnh báo với các cơ quan quản lý trong việc đề phòng kẽ hở hàng rào kỹ thuật. Theo các chuyên gia kinh tế, đối phó với các vụ kiện chống trợ cấp sẽ phức tạp hơn các vụ kiện chống bán phá giá. Trong đó, việc ban hành văn bản ở Việt Nam cũng có thể là lỗ hổng, bởi trong nhiều văn bản của các bộ, ngành thể hiện mong muốn hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về hạ tầng, tín dụng, đất đai. Trên thực tế, do nguồn lực có hạn, nên sự hỗ trợ này chẳng đáng là bao, ngay như việc tạo điều kiện cho nông dân và DN được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng thực hiện được rất ít, do các thủ tục khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là cái cớ để Bộ Thương mại Hoa Kỳ vin vào cáo buộc Chính phủ có trợ cấp cho ngành tôm. Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các bộ, ngành khi soạn thảo các văn bản, nếu có đủ lực thì hãy ban hành chính sách hỗ trợ, nếu không sẽ gặp hiệu ứng ngược.

Lê Kim Liên/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: