VINAGRI News - Câu trả lời chắc chắn không phải nông dân. Bởi theo nhận định của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong chuỗi giá trị của hạt gạo, người nông dân thu được lợi ích thấp hơn rất nhiều so với các đối tượng khác.
Cuộc sống bấp bênh theo giá lúa
Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, mặc dù nhà quản lý đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách nhằm cải thiện mức sống của người trồng lúa, song hầu như các chính sách không phát huy được tác dụng. Bằng chứng là, nhiều năm qua, cuộc sống người nông dân vẫn bấp bênh theo giá lúa.
Có một đặc điểm là, khi giá lúa lên, người được hưởng lợi không phải là nông dân, nhưng khi giá lúa xuống thì người thiệt thòi nhất lại chính là nông dân. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay, song, đến thời điểm này, vẫn chưa có một giải pháp nào đưa ra thực sự hợp lý giúp ổn định mức sống cho người trồng lúa.
Tại lễ công bố báo cáo nghiên cứu "Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao” do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Oxfam phối hợp tổ chức diễn ra hôm qua (17-10), nhóm nghiên cứu của IPSARD và Oxfam đã chỉ ra rằng, những chính sách được ban hành thời gian qua hầu như chỉ mang tính tình thế. Do đó, không đem lại lợi ích như mong đợi cho nông dân trồng lúa. Theo tổ chức Oxfam, việc xác định và công bố giá lúa định hướng nhằm đảm bảo mang lại lợi nhuận ít nhất 30% cho nông dân trồng lúa không thực sự phát huy tác dụng vì giá thu mua do DN chi trả, trong khi thực tế các DN hiếm khi mua thóc trực tiếp từ nông dân, mà thông qua thương lái. Do đó, nông dân không được hưởng lợi từ chính sách này. Thêm vào đó, để thúc đẩy trao đổi buôn bán giữa nông dân và DN xuất khẩu, nhà quản lý cũng đã ban hành chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo. Theo đó, các DN được cho vay không lãi suất trong thời hạn từ 3 đến 4 tháng để góp phần tăng cầu, tăng giá lúa mua của nông dân. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trên thực tế, các DN thường tiến hành mua lúa gạo khi giá xuống mức thấp nhất.
Một nghịch lý nữa vẫn tồn tại lâu nay được GSTS Võ Tòng Xuân đưa ra, đó là ngay cả khi giá gạo trên thị trường thế giới lên cao, các chính sách nhằm đảm bảo giá bán cho người tiêu dùng cũng khiến người nông dân không được hưởng lợi khi giá lúa lên. Ông Xuân đưa ra ví dụ, hồi năm 2008, lệnh cấm xuất khẩu tạm thời với những hợp đồng xuất khẩu mới từ tháng 3 đến tháng 6 năm đó đã khiến cho giá gạo tại thị trường Việt Nam giảm xuống. Mặc dù giá gạo xuất khẩu tăng từ 430USD/tấn vào đầu năm 2008, đến 900USD/tấn vào tháng 5 năm 2008, nhưng do lệnh cấm xuất khẩu, giá bán lúa của nông dân chỉ tăng có 100USD/tấn.
Nhiều chính sách đã được đưa ra nhưng người nông dân vẫn thiệt thòi - Ảnh: Hải Anh
Ai lợi nhất?
Như vậy, có thể thấy, chính sự gò bó trong chính sách đã gây ra những tác dụng ngược, nó không giúp cho thu nhập của người nông dân khá hơn, ngược lại, chỉ các đối tượng thương lái, DN trong chuỗi giá trị này là được hưởng lợi.
Ông Andy Baker, trưởng đại diện Oxtam tại Việt Nam đánh giá, để ngành sản xuất lúa gạo phát triển bền vững, hiệu quả và công bằng, các chính sách của ngành này cần phải thay đổi để tăng thêm lợi ích cho người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. "Chúng tôi cho rằng các chính sách về việc trồng và xuất khẩu lúa gạo cần tập trung vào người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc, để họ nhận được những đẩy đủ hỗ trợ của nhà nước. Điều quan trọng nhất là để nông dân được cất lên tiếng nói về những trăn trở và những hỗ trợ họ thực sự cần” - ông Andy Baker khẳng định.
Ở một khía cạnh khác, GSTS Võ Tòng Xuân cho rằng, điểm yếu nhất hiện nay chính là người nông dân quá nghèo. Vì quá nghèo mới dẫn đến thực trạng cứ thu hoạch lúa là buộc phải bán ngay. Do đó, nông dân thường xuyên bị DN ép giá. "Vấn đề hiện nay của ngành lúa gạo đó là thiếu những DN thực sự có tài và có tâm. Một nền kinh tế muốn phát triển bền vững thì DN là đối tượng then chốt. Đối với ngành lúa gạo cũng vậy. Song, thị trường lúa gạo hiện nay đang thiếu những DN có cả tâm và tài. DN có tài nhưng không có tâm thì người nông dân muôn đời vẫn khổ”, TS Võ Tòng Xuân nhận định.
Tại hội thảo công bố báo cáo, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 7 khuyến nghị cho ngành lúa gạo phát triển bền vững: Nâng cao tiếng nói của người nông dân trong quá trình ban hành chính sách và quy định liên quan đến buôn bán lúa gạo; Tăng cường liên kết trực tiếp giữa người trồng lúa và các DN xuất nhập khẩu; Đưa ra chiến lược, nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam; Hình thành các vùng chuyên canh lúa được nhà nước trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng; Tiến hành nghiên cứu để phát triển các giống lúa chất lượng gạo; Xây dựng nhà kho để tạm trữ lúa gạo sau thu hoạch; và cuối cùng là, sau khi tham vấn ý kiến của nông dân, đưa ra mức giá sàn vào thời điểm đầu vụ, cân nhắc yếu tố giá sản xuất và sự khác biệt của mỗi vùng miền.
Duy Phương/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: