» » » Trắng tay vì tôm thẻ chân trắng

VINAGRI NewsSau 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng, năm nay nhiều nông dân ở các xã Ninh Lộc, Ninh Phú… (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã lâm vào cảnh trắng tay vì tôm chết yểu. Thậm chí, tôm được các hộ thả nuôi tiếp lần thứ 3, thứ 4, sau khoảng 1 tháng nuôi lại lăn ra chết.

Tôm chết đỏ ao

Những ngày này, về các vùng đìa nuôi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương như: Ninh Lộc, Ninh Phú..., đến đâu chúng tôi cũng nghe nông dân thở dài khi nói đến con tôm. Đã mấy năm nay, ông Võ Tiến cùng người nhà từ Diên Khánh đến vùng đìa thôn Tân Khê (xã Ninh Lộc) thuê 2 đìa có tổng diện tích 1ha để thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Mấy vụ đầu còn có lãi ít, 3 vụ nuôi gần đây, ông Tiến không hiểu vì sao tôm cứ thả nuôi được khoảng 1 tháng là bắt đầu bỏ ăn, lờ đờ và chết dần. Ông Tiến buồn rầu kể: “3 vụ gần đây, gia đình tôi thả nuôi tổng cộng 150 vạn con giống, tôm cứ thả được 25 - 35 ngày là bắt đầu bỏ ăn, dạt vào quanh đìa, kiểm tra thì thấy tôm chết; tỷ lệ hao hụt lên đến 60% nên tính tổng cộng cả 3 vụ gia đình tôi lỗ hơn 100 triệu đồng, chủ yếu là tiền giống, thức ăn và nhân công. Nhưng gia đình tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ khác, ở vùng đìa này có hộ tôm chết không còn con nào, thua lỗ nặng nề hơn”. Để chứng minh những điều mình nói, ông Tiến dẫn chúng tôi ra đìa tôm và chỉ cho chúng tôi thấy tôm chết đỏ au trên những đám rong trong đìa. Theo ông Tiến, 25 vạn con tôm giống được ông thả nuôi trên đìa tôm này từ cuối tháng 6. Từ cuối tháng 7 tôm bắt đầu chết liên tục, đến nay chỉ còn lại khoảng 10%. Bây giờ gia đình ông mua cá dìa, cua thả vào nuôi chung mong vớt vát được chút ít để bù lỗ mấy vụ tôm thất bát vừa qua.

3 vụ nuôi gần đây nhất, tôm tại đìa của gia đình ông Võ Tiến liên tục chết do bị sốc thời tiết và dịch bệnh.

Tương tự như các vùng đìa nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Lộc, các vùng đìa ở thôn: Tiên Du 1, Hang Dơi, Hội Phú Nam (phường Ninh Phú) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tôm thẻ chân trắng được người dân thả nuôi cả 2 vụ đều chết đến 70 - 80%. Thậm chí có hộ thả nuôi đến lần thứ 3, thứ 4 tôm vẫn chết yểu sau 25 - 35 ngày thả nuôi. Ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Hang Dơi chia sẻ: “Đầu tháng 7, sau khi cải tạo đìa, gia đình tôi đã thả nuôi tôm vụ 2, với 1 triệu con tôm giống trên 5 đìa. Tôm nuôi được 20 ngày thì bắt đầu chết, đến ngày thứ 30 thì chết hơn 70%, thấy vậy tôi quyết định xuất đìa thu tôm được vài tạ, bán giá chợ chỉ được 35.000 đồng/kg; tính ra lỗ đến 100 triệu đồng. Trước đó, vụ 1 do thời tiết bất thường và dịch bệnh, hơn 80 triệu đồng của gia đình tôi cũng bốc hơi theo tôm”. Trò chuyện với ông Bình chúng tôi được biết, mới đây ông đã vay mượn hơn 40 triệu đồng để thả nuôi tiếp hơn 30 vạn con tôm giống với mong muốn gỡ gạc 2 vụ nuôi thua lỗ trước. Tuy nhiên, tôm mới thả nuôi được 12 ngày lại bắt đầu có biểu hiện bị bệnh và chết lai rai nên gia đình ông không dám đầu tư nhiều cho thức ăn bởi lo tiếp tục lỗ. Ở xã Ninh Phú, hầu như gia đình nào cũng bị thiệt hại do tôm chết, những hộ có tỷ lệ tôm chết ít thì có thể hòa vốn hoặc có lãi ít, những hộ có tôm chết nhiều thì nắm chắc phần thua lỗ.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Ninh Lộc, năm 2013 nông dân trên địa bàn xã đã thả nuôi 470ha tôm thẻ chân trắng; trong đó có 264ha tôm bị thiệt hại, tỷ lệ tôm chết lên đến 62%; giá trị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, xã Ninh Phú thiệt hại nặng nề hơn. Ông Phạm Thanh Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết: “Đến thời điểm này, nông dân địa phương đã thả nuôi khoảng 240ha tôm thẻ chân trắng, riêng vụ 1 có 140ha, vụ 2 gần 100ha. Cả 2 vụ nuôi tôm năm nay đều bị thiệt hại nặng với hơn 70% diện tích, tỷ lệ tôm chết khoảng 60 - 70%; ước giá trị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng”.

Đâu là nguyên nhân?   

Bất chấp dịch bệnh, người dân xã Ninh Phú vẫn cải tạo lại ao đìa để tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng mong vớt vát lại ít vốn.

Để nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao đối với người nuôi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh khuyến cáo: Đối với tôm có kích cỡ nhỏ chưa thu hoạch được, khi phát hiện tôm chết cần vớt ngay khỏi ao, tiêu hủy, không để lây lan ra môi trường xung quanh; đối với tôm gần đạt kích cỡ thương phẩm, khi tôm bị bệnh cần thu hoạch ngay và cải tạo lại ao đìa; việc chuẩn bị ao đìa trước khi thả nuôi mới cần phải được thực hiện theo đúng quy trình: tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy, duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,2m; cần chọn mua con giống từ những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu về môi trường trong ao nuôi để kịp thời xử lý khi có bất thường xảy ra... Đặc biệt, người nuôi cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, tất cả các ao nuôi tôm thẻ chân trắng cần được thu hoạch xong, chậm nhất là trong tháng 10 tới để tránh những thiệt hại do mưa bão gây nên. 

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Phạm Thanh Sinh cho rằng, diễn biến thời tiết thất thường thời gian qua chính là nguyên nhân chính khiến tôm bị giảm sức đề kháng; cùng với dịch bệnh lây lan đã khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm vào cảnh điêu đứng. Tại địa phương, người nuôi vẫn chưa tuân thủ đúng các quy trình, lịch thời vụ mà ngành chức năng đã khuyến cáo, chất lượng tôm giống cũng không đảm bảo do người nuôi ham rẻ nên mua con giống trôi nổi. Khi đìa tôm bị bệnh, người nuôi không xử lý kỹ mà lại xả ra môi trường, nhà này xả ra nhà khác lấy vào nên dịch bệnh lây lan. Cùng chung quan điểm, ông Phan Quốc Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lộc cho hay: “Tôm thẻ chân trắng được nhiều người nuôi lựa chọn do thời gian nuôi ngắn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình vẫn nuôi một cách tự phát, dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu chứ không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và các nhà khoa học. Ngoài ra, ý thức giữ gìn môi trường chung của bà con còn rất thấp nên một khi bệnh xảy ra thì rất dễ bùng phát, lây lan nhanh khiến nhiều đìa tôm cùng chịu chung số phận”.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, nguyên nhân chính khiến tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh bị chết chủ yếu là do sốc thời tiết, ban ngày nắng nóng và mưa giông về chiều làm biến động các yếu tố môi trường nuôi khiến tôm chết và chậm lớn. Riêng vùng nuôi Ninh Phú ngoài sốc thời tiết, tôm còn bị nhiễm vi rút IHHNV (gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô). Đây là bệnh có thể lan truyền từ thế hệ bố mẹ đến thế hệ con và có thể lây lan giữa các cá thể trong quần thể đàn tôm. Mặt khác, bệnh này còn làm chậm khả năng tăng trưởng của tôm và giảm tỷ lệ sống của tôm. Trong tháng 7, Chi cục đã lấy 20 mẫu tôm thẻ chân trắng tại 5 vùng nuôi gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh để tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu về bệnh thủy sản thì chỉ có 3 mẫu lấy tại vùng nuôi xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) là nhiễm bệnh IHHNV, còn các mẫu khác đều âm tính với các loại bệnh thường xảy ra trên tôm thẻ chân trắng. “Để phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng một cách bền vững, ngoài quy hoạch nuôi trồng thủy sản chung của tỉnh, của huyện, cần phải có quy hoạch chi tiết cho từng địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý cũng như phòng, chống dịch bệnh. Về phía người nuôi, cần tuân thủ quy trình cũng như khuyến cáo mà các cơ quan chuyên môn đưa ra; bên cạnh đó cần đầu tư chiều sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm thương phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, bởi trên thực tế 2 vụ nuôi năm nay, nhiều hộ nuôi tôm thương phẩm tại Nha Trang, Vạn Ninh khi đầu tư chiều sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật thì hiệu quả rất cao”, ông Khánh nói.

Bích La/ Báo Khánh Hòa

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: