» » Trăn trở... thanh long Bình Thuận

VINAGRI NewsLà người được phân công phụ trách theo dõi mảng kinh tế nông nghiệp, tôi có dịp đi đến nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh. Ấn tượng nhất là mảnh đất Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, nơi đứng đầu về diện tích thanh long của toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Ở đó, tôi có dịp tìm hiểu, sẻ chia những niềm vui, nỗi lo lắng của người dân trồng thanh long mỗi khi được mùa, tăng giá, hay khi thời tiết bất lợi, gây hạn hán, ngập lụt và cây trồng nhiễm sâu bệnh...

Ảnh minh họa

Mới đây, nhân chuyến công tác ở xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam, tôi có dịp ghé thăm một số hộ gia đình trồng thanh long. Vào thời điểm đó, giá thanh long mùa đang ở mức 16.000 - 17.000 đồng/kg, nên người trồng khấp khởi vui mừng. Gia đình chị Tám, một hộ có 2.000 trụ đang chuẩn bị xuất bán lứa trái đã chín. Chị nhẩm tính: “Nếu bán lứa này được giá, tôi sẽ thu về mấy chục triệu, dự định sẽ sửa sang lại mái nhà”. Qua lời nói của chị, tôi nhận thấy sự phấn khởi và hy vọng của người nông dân sau khi đổ bao công sức, mồ hôi chăm sóc, đầu tư cho cây trồng. Mặt khác, tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ về câu nói của chị: “Thời buổi này, không gì bằng trái thanh long. Học đại học ra cũng làm ít tiền hơn đầu tư thanh long...”. Cũng chính vì suy nghĩ ấy, nên 7 người con của chị đều học đến lớp 5, lớp 6 là ở nhà phụ cha mẹ lên rẫy trồng trọt...

Qua chuyến công tác, mấy ngày sau giá thanh long trong tỉnh đột ngột hạ xuống, từ 16.000 đồng/kg chỉ còn 6.000 đồng/kg. Các đầu nậu thanh long chưa dám mua, nông dân cũng không muốn bán vì sợ lỗ nên “treo” trái trên cây được ngày nào hay ngày đó. Ngành nông nghiệp tỉnh lý giải là do biến động của thị trường phía Trung Quốc nên giá bán lên xuống thất thường. Có đến 70% sản lượng thanh long toàn tỉnh tiêu thụ qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc, vì vậy giá cả thị trường bấp bênh là điều dễ hiểu...Tôi chợt nghĩ đến gia đình chị Tám. Không biết chị đã kịp xuất bán lứa thanh long cuối vụ mùa hay chưa? Dự định sửa sang lại căn nhà có thực hiện được trong mùa mưa lũ? Còn mấy người con của chị, nếu chỉ dựa vào thanh long mà bỏ học giữa chừng thì tương lai sẽ ra sao?

Cập nhật những thông tin mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, diện tích thanh long của tỉnh đã đạt trên 20.300 ha, tăng gần 1.000 ha so với năm 2012. Đây là con số chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của thanh long tỉnh nhà. Điều này đồng nghĩa với diện tích lúa đang ngày càng bị thu hẹp. Tìm hiểu nguyên nhân của thực tế này, được người dân lý giải về bài toán kinh tế rất rõ ràng: Nếu trồng 1 ha thanh long, trong 1 năm bà con có thể thu lãi bình quân khoảng 300 triệu đồng. Ngược lại khi trồng lúa, số lãi thu về sau khi trừ chi phí chỉ ở khoảng 20 triệu đồng/ha. Do đó, dù bị lập biên bản vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất từ lúa sang thanh long, bà con vẫn chấp nhận nộp phạt và tiếp tục “lấn” đất lúa.

Lợi nhuận mang lại từ thanh long là điều thấy rõ. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc đến sự phát triển bền vững của loại cây trồng này. Bởi nếu diện tích thanh long vượt xa quy hoạch của tỉnh, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch cung cấp nước tưới, nguồn điện chong đèn. Mặt khác, khi diện tích tăng vọt, đồng nghĩa với nguồn “cung” lớn hơn “cầu”, nông dân rất dễ bị ép giá. Thêm vào đó là sự cạnh tranh khốc liệt của thanh long trong và ngoài nước, khiến thị trường tiêu thụ càng bấp bênh. Thiết nghĩ, điểm mấu chốt để giữ vững và quảng bá thương hiệu thanh long Bình Thuận chính là nông dân phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng; sản xuất theo hướng VietGAP. Đồng thời hình thành các liên minh sản xuất, tiêu thụ thanh long để ổn định thị trường tiêu thụ...

Lam Giang/ Báo Bình Thuận

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: