VINAGRI News - Từ chỗ chạm đáy ở mức 45.000 đồng/kg, cuối tháng 7 tại các cảng cá Quy Nhơn, Tam Quan, Bình Định, giá cá ngừ đại dương đã vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg. Giá lên, nhưng hàng ngàn hộ ngư dân chưa thôi khốn đốn do sản lượng sụt giảm thê thảm.
Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Tam Quan. Ảnh: X.N
Cả tháng chỉ được... 4 con cá
Với 1.428 chiếc tàu công suất từ 90CV trở lên- chiếm 58,48% đội tàu đánh bắt xa bờ toàn tỉnh, Hoài Nhơn là trung tâm lớn nhất nghề đánh bắt cá ngừ đại dương của Bình Định. Ở Hoài Nhơn thì xã Tam Quan Bắc là thủ phủ nghề này, bởi hầu hết tàu bè làm ăn “đường trường” đều là của ngư dân Tam Quan hoặc ra khơi từ cửa biển Tam Quan. Cái “thủ phủ” ấy giờ đây tiếp tục loay hoay, điêu đứng dẫu giá thu mua sản phẩm đã được đẩy lên.
Tại cảng cá Tam Quan, chúng tôi gặp chủ tàu Văn Dũng. Anh Dũng cho biết, gần 1 tháng lặn ngụp ngoài khơi, thành quả mà anh và những người bạn mang về chỉ vỏn vẹn... 4 con cá. “Cân ra, giỏi lắm cũng chỉ được 2 tạ, tương đương 15 triệu đồng, bằng tiền đá lạnh. Bỏ 80 triệu sắm tổn cho cả chuyến đi, thu 15 triệu, lấy gì sống?” - người ngư dân hãy còn độ tuổi trung niên kết thúc câu chuyện bằng câu hỏi đắng chát.
Dũng không phải trường hợp cá biệt. La Tình- chủ tàu BĐ 5648TS- được 11 con, cân nặng 4,4 tạ, lỗ hơn 30 triệu; La Vương- em ruột Tình, chủ tàu BĐ 95725TS- lỗ 25 triệu đồng. Nhóm anh em Tình đi 4 chiếc, chỉ một chiếc bạn chài được chi trả tiền công. Ông Nguyễn Văn An- lão ngư ở thôn Tân Thành, chủ tàu BĐ 96776TS- thì giải thích, tàu ông sở dĩ không tái diễn kết cục thất bát là nhờ con cá nhám trên dưới 1 tạ, mớ cá bù tạt (cá ngừ loại nhỏ) và ít cá thu. Tàu ông An câu 37 con, cân nặng tổng cộng 1,4 tấn.
Ông lão tính toán: “Tiền tổn 110 triệu, với mức giá 73.000 đồng/kg, mỗi chuyến ít ra phải câu 1,5 tấn mới đủ bù đắp”. Từ đầu năm đến nay, cha con ông An phải nằm bờ 2 chuyến “vì làm ăn bê bết quá. Càng đi càng ngao ngán, nhất là từ độ chuyển đổi ngư trường vào vùng biển Trường Sa”.
Câu chuyện ông An kể nghe như một vòng luẩn quẩn: “Đầu mùa (khoảng tháng 11 hằng năm) cá nhiều thì bị thương lái o ép, giá rớt thảm hại. Nay, giá tăng chút đỉnh, kiếm được con cá lại muốn... chảy máu mắt. Tăng, nhưng vẫn chưa bằng mức giá hơn 80.000 đồng/kg cùng thời điểm năm ngoái. Chưa kể, giá nhiên liệu lại liên tục biến động”.
Bán tàu, “treo” nợ
Nghiệp biển khó khăn, nhiều ngư dân buộc phải cho tàu nằm bờ hoặc rao bán phương tiện. Ở thôn Tân Thành 2, ngư dân Huỳnh Phụng đã bán 1 trong 2 chiếc tàu của gia đình. Tuy nhiên, thời điểm này không phải muốn bán là bán được. Ông Nguyễn Đúng- chủ 2 chiếc tàu- hơn 6 tháng nay tìm cách bán bớt một chiếc nhằm “giảm lỗ, thu hồi vốn” mà không sao tìm thấy người mua. “Một ngày chưa “đẩy” nó được, mối lo lãi mẹ đẻ lãi con vẫn còn nguyên đó” - ông Đúng than thở.
La Văn Hồng- thuyền trưởng tàu BĐ 95421 TS- đang tự biến mình thành kẻ thất nghiệp. Đã hơn 2 tháng, tàu của Hồng liên tục nằm bờ vì như anh nói “quần quật mấy tuần trên sóng, nếu không trắng tay cũng chỉ 1-2 triệu đồng/chuyến, không đủ trang trải thuốc men thì đi làm gì”.
Gia đình anh Hồng đang là nạn nhân một vụ chiếm dụng vốn kéo dài từ tháng 5.2012 đến nay, khi cả chuyến biển 150 triệu đồng, sau nhiều bận trì níu, cũng chỉ được thanh toán 80 triệu. Con nợ của Hồng- bà Nguyễn Thị Nghi ở cùng thôn- đến lượt mình lại là chủ khoản nợ 3,2 tỉ đồng bị một doanh nghiệp trong Phú Yên chiếm dụng.
Ở Tam Quan Bắc, nhóm thương lái địa phương bị doanh nghiệp “xù” nợ như vậy gần tới 10 trường hợp. Họ đang hợp sức giải quyết nợ nần thông qua tòa án. Bà Nghi tỏ ra thiếu tự tin: “Tòa đã triệu tập hai lần, lần nào doanh nghiệp cũng vắng mặt. Chúng tôi không biết là có đòi được đồng nào để hoàn trả cho bà con nữa hay không”.
Xuân Nhàn/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: