VINAGRI News - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) thủy sản trong tháng 4 và 5 có xu hướng hồi phục nhẹ so với năm ngoái (tăng trưởng chỉ 2-5%) sau khi giảm liên tục 30% và 17% trong tháng 2 và tháng 3.
Xuất khẩu thủy sản bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng dù vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn.
Nhu cầu thị trường thế giới bắt đầu tăng trở lại và nguồn nguyên liệu trong nước (tôm, cá tra, cá ngừ) cũng đang hồi phục.
Trong 5 tháng đầu năm 2013, Việt Nam XK thủy sản sang 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 2,28 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tốp 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, ASEAN, Brazil, Mexico và Nga chiếm trên 84% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam.
Hiện nay, tôm vẫn là mặt hàng có giá trị XK chiếm tỷ trọng cao nhất (37%) trong tổng giá trị XK thủy sản, tăng khoảng 4% so với năm ngoái. XK tôm cũng có xu hướng tăng trưởng trong tháng 4 và 5 (tăng từ 7 - 9%) do người nuôi tôm bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Khó khăn khó nhất của XK tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm là áp lực của rào cản thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Ngoài ra, rào cản Ethoxyquin tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang gây khó cho doanh nghiệp XK vào thị trường này.
Cá tra đang đứng vị trí thứ 2 trong cơ cấu các mặt hàng thủy sản XK Việt Nam với tỷ trọng 29%. Giá trị XK cá tra trong 5 tháng đầu năm 2013 đạt đạt 670 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình XK cá tra của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do thiếu vốn, nguồn nguyên liệu không ổn định, nhu cầu thị trường giảm và áp lực rào cản thuế quan.
Cá ngừ hiện vẫn đứng vị trí thứ 3 trong các mặt hàng thủy sản XK chính của Việt Nam. Những tháng đầu năm 2013, XK cá ngừ tương đối khả quan nhưng bắt đầu từ tháng 3 có dấu hiệu đi xuống với tỷ lệ giảm 16% và tiếp tục giảm cùng mức này trong tháng 5. Điều này khiến giá trị XK cá ngừ trong 5 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 251 triệu USD. Nguyên nhân là do lượng cá ngừ tồn kho tại các nước nhập khẩu lớn, giá giảm trong khi chất lượng cá ngừ trong nước không đáp ứng yêu các nhà nhập khẩu trong giai đoạn này.
XK mực, bạch tuộc trong năm 2013 tiếp tục đà đi xuống với kim ngạch XK trong 5 tháng giảm tới 25%, đạt 154 triệu USD. Các mặt hàng cá biển khác và sản phẩm cá biển như chả cá, surimi cũng sụt giảm theo cá ngừ với giá trị XK trong tháng 3 giảm mạnh 28%, tháng 4 hồi phục nhẹ, sang tháng 5 giảm tiếp 10% nên tổng XK 5 tháng giảm gần 4%, đạt 312 triệu USD.
Thành Công/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: