VINAGRI News - Xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2013. Như vậy, đã có 3 tháng liên tiếp, giá trị XK mặt hàng này giảm từ 24,6 - 53,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị XK sang 6 thị trường NK lớn là: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Trung Quốc - Hồng Kông, Nga và Mỹ chiếm đến 90,4% tổng giá trị XK cũng có 3 tháng liên tiếp giảm mạnh. Tính đến hết tháng 4/2013, tổng giá trị XK mực, bạch tuộc giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Đáng buồn nhất là 3 thị trường NK lớn nhất là: Hàn Quốc, Nhật Bản và EU lại giảm mạnh nhất về giá trị từ 9 - 60% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, nhiều DN XK mực, bạch tuộc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Kiên Giang đã buộc phải giảm 40-50% công suất chế biến, chấp nhận sản xuất cầm chừng không có lời để duy trì việc làm cho hàng trăm lao động. Theo phản ánh của các DN XK mực, bạch tuộc tại Kiên Giang - một trong ít địa phương có sản lượng khai thác lớn nhất cả nước thì hầu hết tàu cá công suất nhỏ tại đây đã nằm bờ do thua lỗ, nguồn lợi cạn kiệt, không đủ chất lượng, size cho nhà máy chế biến.
Theo báo cáo của một số địa phương, trong đó có Kiên Giang, 2 tháng đầu năm và đầu tháng 3/2013, nhiều ngư dân tại Phú Quốc câu mực trúng lớn, sản lượng bình quân có thời điểm lên tới 2-3 tấn mực/ngày tăng gần 3 lần so với những tháng trước đó. Tuy nhiên, ngư dân vẫn bất an với bài học “được mùa, mất giá” của một số tỉnh ven biển như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau... hơn nữa, sản lượng khai thác chủ yếu được cung cấp cho các chợ đầu mối tại các thành phố lớn, các nhà hàng, không đủ tiêu chuẩn để XK.
Một số tàu khai thác công suất lớn hợp đồng khai thác sang vùng biển Malaysia, Indonesia nhưng sản lượng cũng không lớn hơn, trong khi đó họ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu trầm trọng do các tàu khai thác vùng khơi xa cũng chỉ cung cấp hải sản làm nguyên liệu để làm bột cá và chả cá, trong khi đó, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, giá XK chững. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến 80-90% nhà máy chế biến mực, bạch tuộc chủ yếu trông cậy vào nguồn nguyên liệu trong đang trong tình trạng “thoi thóp”.
Còn theo báo cáo của Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tháng 4/2013, giá dầu diesel tăng đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động khai thác hải sản, nhưng do thời tiết trên các ngư trường thuận lợi, các đối tượng cá nổi (như: cá nục, cá cơm, sứa, ruốc, cá ngừ…) xuất hiện nhiều đã tạo điều kiện cho ngư dân bám biển sản xuất, số tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012 nên sản lượng khai thác hải sản vẫn tăng khoảng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhìn chung các đội tàu hoạt động trên các vùng biển đều có lãi do thời tiết thuận lợi nên số tàu cá của Việt Nam tham gia đánh bắt trên các vùng biển tăng, đạt sản lượng cao. Hơn nữa, các tàu cá đã biết liên kết với nhau để chuyển tải sản phẩm, tăng thời gian bám biển, nhờ đó đã giảm được chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Tạ Hà/ vasep
Không có nhận xét nào: