» » Nghịch lý giá đường

VINAGRI NewsTheo lẽ thông thường, nếu nguồn cung lớn hơn cầu thì giá sẽ giảm, nhưng thực tế đang tồn tại nghịch lý. Đó là trong khi giá bán buôn tại các nhà máy đường giảm thì tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, giá đường kính vẫn ở mức cao.


Nguồn cung lớn, giá vẫn cao

Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguồn cung sản phẩm đường của thế giới đang dư thừa khoảng 10 triệu tấn. Còn ở Việt Nam, lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến ngày 15/5/2013 đạt 566.400 tấn. Vụ 2012 – 2013, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, với nhu cầu tiêu thụ cả nước gần 1,4 triệu tấn, nguồn cung đang thừa khoảng hơn 100.000 tấn.

Giá bán buôn đường kính trắng, hiện ở mức 14.500-15.000 đồng/kg, đường tinh luyện ở mức 16.450-17.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn 2.600 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đường nhập lậu tại TP. Hồ Chí Minh có giá thấp hơn chỉ khoảng 13.700 đồng/kg. Ở miền Trung giá đường lậu duy trì ở mức từ 13.700 – 14.000 đồng/kg.

Tại một số siêu thị ở Hà Nội, giá đường tinh luyện xuất khẩu dao động trong khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg, đường tinh luyện Biên Hòa là 22.500 đồng/kg. Tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, giá đường đỏ là 17.000 đồng/kg, đường tinh luyện từ 22.000-24.000 đồng/kg.

Nếu duy trì tình trạng giá cao như hiện nay, ngành mía đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập lậu. Hàng sản xuất ra không bán được, kéo theo nhiều hệ lụy. Quan trọng hơn, các vùng nguyên liệu sẽ bị thu hẹp, người dân không thể chờ các nhà máy, sẽ chuyển sang loại cây trồng khác...

“Trung gian” làm giá

Lý giải điều này, ông Hà Hữu Phái - Đại diện Hiệp hội Mía đường tại Hà Nội - cho rằng: “Giá bán buôn tại nhà máy không cao nhưng qua nhiều khâu trung gian đẩy giá đường bán lẻ lên cao. Lý do cơ bản là các công ty mía đường chưa xây dựng được hệ thống phân phối hiệu quả”.

Các công ty thương mại kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, họ luôn muốn lợi nhuận cao vì vậy hợp đồng mua bán thường ngắn hạn, đôi khi cũng là điều kiện để ép giá các nhà sản xuất. Trong khi đó các nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất, nếu không sẽ bị mất nguồn nguyên liệu. 

Anh Ngô Đào Khánh- Chủ cửa hàng kinh doanh đường, sữa ở phố Đội Cấn (Hà Nội) - chia sẻ: Mỗi tháng cửa hàng tiêu thụ khoảng 6-7 tạ đường, nhưng đều nhập qua đại lý chứ chưa có công ty đường nào trực tiếp chào mời. Giả sử nếu có thì giá đưa ra phải thấp hơn mức giá các công ty thương mại phân phối thì mới bán được nhiều.

Theo quan điểm kinh doanh hiện đại, hệ thống phân phối đóng một vai trò quan trọng, giúp sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh, hiệu quả, tiết kiệm  chi phí tối đa. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, vì điều này còn liên quan đến chiến lược, tầm nhìn, chi phí, nhân lực và trình độ quản lý...

Thiết nghĩ, để ổn định thị trường mía đường, ngoài việc phát triển đồng bộ, các doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống phân phối hiện đại, hiệu quả. Có như vậy người tiêu dùng mới không chịu thiệt vì giá đường bán lẻ tăng cao như hiện nay. 

Đình Dũng/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: