» » Trang trại chim trĩ

VINAGRI NewsAnh Trần Huy Hợi, thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) nuôi chim trĩ chim trĩ quy mô trang trại thành công, góp phần bảo tồn nguồn giống quý hiếm, mang lại thu nhập cao.


Từ một thanh niên vất vưởng đi làm thuê, năm 2008 anh đã mạnh dạn về quê vay vốn để phát triển chăn nuôi. Vật lộn với con gà, con lợn một thời gian, nhận thấy tiềm năng kinh tế của chim trĩ anh Hợi quyết định chuyển sang nuôi. Hiện đàn chim trĩ của anh đã có trên 2.000 con, lúc cao điểm lên tới 5.000 con.

Anh Hợi chia sẻ: “Đây là loài dễ nuôi, có sức đề kháng cao, nên chỉ cần cho uống thuốc phòng dịch theo định kỳ và hàng tuần vệ sinh chuồng trại là chim không bao giờ bị bệnh. Thức ăn chủ yếu tận dụng nguồn rau xanh dồi dào trong vùng. Thịt chim trĩ được đánh giá là bổ dưỡng, giàu protein, vitamin, canxi, sắt… vì thế, thị trường tiêu thụ rất rộng”.

Theo cách tính của anh Hợi, cứ 1 con chim nuôi từ nhỏ tới khi thành phẩm chỉ tốn 100.000 đ chi phí, giá bán ra 300.000 đ, lãi ròng 200.000 đ. Trĩ là chim “đa mục tiêu”, có thể nuôi lấy trứng bán, có thể nuôi làm cảnh, lại có thể bán làm thực phẩm. Hiện tại trứng trĩ đang được thị trường ưa chuộng bởi thơm, ngon, bổ dưỡng với giá 35.000 - 45.000 đ/quả. Còn chim trĩ cảnh thì có rất nhiều “đại gia” săn tìm do ngoại hình rất đẹp, mỗi con cũng bán được từ 1,5 - 2 triệu đ.

Mô hình nuôi chim trĩ của anh Hợi

Anh Hợi cho hay, xây chuồng nuôi chim trĩ phải chọn vị trí nơi cao ráo, thoáng mát; đảm bảo giữ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng phải bằng phẳng bằng bê tông, không ẩm ướt, rải chất độn chuồng bằng cát hoặc trấu, hoặc trấu trộn với cát sau khi được phơi khô và đã được phun khử trùng, tiêu độc. Chuồng phải được thường xuyên vệ sinh, định kỳ 2 - 3 lần/tuần, phun thuốc khử trùng định kỳ.

Trước khi đưa chim vào nuôi, dù quy mô nhỏ hay lớn cần phải chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật như lồng úm, chụp sưởi, máng ăn, máng uống, chất độn chuồng... Chim nhỏ mới nở phải nuôi úm đạt nhiệt độ tiêu chuẩn từ 37 - 38 độ C. Thời điểm khi chim xuống chuồng nên để nhiệt ở 35 độ C, sau nhiệt độ được giảm dần xuống 30 độ C khi chim được 3 tuần tuổi.

Nhiệt độ giảm dần sẽ làm cho chim trĩ thích nghi dần dần với môi trường nuôi nhốt. Chim non thường thả thêm sỏi sạch vào máng nước, cần giữ nhiệt độ ổn định và đặc biệt tránh để ướt lông. Việc để chim non bị ướt lông rất dễ dẫn đến mắc bệnh.

Sau 5 - 12 tuần tuổi chim được thả ra nền chuồng bê tông đã rải cát với độ dày 5 - 8 cm để chúng tắm cát. Nếu thả ra ngoài để cho chim vận động thì phải có lưới quây. Đặc biệt, chuồng nuôi phải cấm bặt người lạ vì thấy người lạ là chim xô đàn, điều này rất nguy hiểm đối với chim đẻ.

Thức ăn của trĩ chủ yếu là rau xanh. Chim được nuôi 2 tháng đầu bằng cám công nghiệp hoặc “cám trộn” dùng cho gà, sau đó cho tập ăn thóc bằng cách trộn 10 - 20% thóc vào cám. Có thể thay thế thóc bằng ngô, khoai, sắn… Nếu nuôi thương phẩm thì cho ăn 100% thóc và cám gạo, cùng với rau xanh. Rau muống, bèo… là thức ăn ưa thích nhất của chim trĩ.

Mô hình trang trại chim trĩ của anh Nguyễn Huy Hợi trở thành điểm sáng vùng nông thôn. Rất nhiều nông dân ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định… đã "cắp cặp" sang học tập.

Chim trĩ nuôi đến 8 tháng thì có thể đẻ trứng. Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 70 - 90 trứng. Điều đáng chú ý nữa là đặc điểm sinh lý của chim trĩ đực rất cao, do vậy không nên ghép 1 chim đực và 1 chim cái, bởi với sự hung hăng chim đực có thể làm cho chim cái hoảng loạn, dập trứng…

Chim trĩ không tự ấp trứng vì vậy khi đưa vào nuôi phải dùng lò ấp hay cho gà ấp. Phải quan sát theo dõi đàn chim thường xuyên: ăn, ngủ, thể trạng, âm thanh... để bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào đều được xử lý kịp thời.

Anh Hợi cũng cho biết, cứ 15 ngày anh cho chim uống thuốc phòng 1 lần. Chim được cho ăn tự do 24/24h trong 4 tuần đầu, đặc biệt là cho ăn rau xanh.

Lê Ngọc Huy/ Báo Nông nghiệp Việt Nam

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: