VINAGRI News - Rất nhiều diện tích lúa Hè thu của nông dân trên địa bàn tỉnh đang gặp khó vì tình hình cỏ dại, lúa ma mọc đầy ruộng. Chỗ nào ít thì chiếm 10%, có ruộng chiếm hơn 50% cỏ lẫn lộn trong lúa. Nhiều nông dân lo lắng sẽ bị lỗ vốn trong mùa này.
Dọc theo tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, dễ dàng bắt gặp nhiều mảnh ruộng cỏ mọc đầy trong lúa, nên khả năng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa sau này của nông dân là rất lớn. Đang nhổ cỏ bên ruộng lúa của gia đình, ông Trịnh Tấn Sĩ, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngày, huyện Châu Thành A, cho biết: “Năm nay, ruộng nào cũng có cỏ, tùy theo cách chăm sóc ban đầu mà số lượng ít hay nhiều. Hiện nay, lúa khu vực này đã bắt đầu trổ bông, bà con không thể xịt thuốc cỏ được nên phải mướn người nhổ từng cọng, vừa tốn công, tốn chi phí nhưng lợi nhuận sau này thì chưa biết ra sao”. Cũng theo ông Sĩ, vụ này năng suất lúa cao lắm thì 7 tấn/ha, những ruộng nào cỏ nhiều thì giảm từ 10-50% sản lượng. Trong khi chi phí đầu tư tăng gần 10% so với vụ trước, nên nhiều nông dân có thể bị lỗ vốn vì loại cỏ dại nguy hiểm này.
Nông dân đang gặp khó trước dịch cỏ dại bùng phát.
Có chung nỗi lo trên, ông Nguyễn Tấn Đạt, ở khu vực 2, phường 4, TP.Vị Thanh khi 3 công ruộng của gia đình đều bị cỏ dại tấn công, gây ảnh hưởng khoảng 30%. Ông Đạt bộc bạch: “Vụ lúa Hè thu này, tôi không xới đất mà đốt đồng sạ chay, tuy nhiên do tình hình nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt và kéo dài nên có thời điểm lúa bị thiếu nước, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình cỏ dại xuất hiện khá nhiều. Mặc dù đã xịt 4 lần thuốc diệt cỏ nhưng cũng chẳng ăn thua gì, do tốn nhiều chi phí nên 2 vợ chồng không mướn thêm nhân công mà tự nhổ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, cỏ dại là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong ruộng lúa. Sự thiệt hại do cỏ dại gây ra còn tùy thuộc vào loại cỏ trong ruộng, mật độ trên một đơn vị diện tích và sự tăng trưởng của từng loại cỏ. Mật độ càng cao, sinh trưởng càng mạnh thì năng suất lúa giảm càng nhiều. Tuy không gây hại trực tiếp cho cây lúa như các loài sâu bệnh khác, nhưng chúng có khả năng làm giảm năng suất, phẩm chất gạo bằng cách cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng và nước. Trong trường hợp mật số cỏ quá dày, chúng còn là nơi trú ẩn và sinh sản của chuột, đồng thời, cỏ dại còn là cầu nối của nhiều loại dịch hại nguy hiểm khác. Đặc biệt, một số loài cỏ dại như: đuôi phụng, lồng vực,… là ký chủ phụ của rầy nâu truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá cho lúa rất nguy hiểm.
Nguyên nhân khiến cỏ dại phát triển mạnh là do thời gian gần đây, bà con nông dân canh tác liên tục nhiều vụ lúa trong năm nên khâu dọn đất, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ lúa không được kỹ càng. Bên cạnh đó, khâu sử dụng nguồn lúa giống chưa đạt chuẩn, còn lẫn tạp nhiều hạt cỏ, kết hợp với nguồn hạt cỏ được tích lũy nhiều năm trong đất, thời tiết khô ẩm,… đã tạo điều kiện thuận lợi cho cỏ dại phát triển mạnh, gây ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả sản xuất lúa.
Ngoài cỏ dại, một đối tượng phổ biến khác cũng gây ảnh hưởng đến lúa trong vụ Hè thu này là “lúa ma”. Theo bà con nông dân, cây lúa ma sinh trưởng rất mạnh, bản thân hạt gạo lúa ma không khác gì lúa thường, tuy nhiên, khi gần chín chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua sẽ làm hạt lúa tự rụng. Do đó, khi lúa chín nông dân chỉ còn thu hoạch được rơm, trong khi hạt đã rơi hết xuống đất. Do cây lúa ma cao hơn lúa thường từ 2-3 tấc nên làm cây lúa thường thiếu ánh nắng, dẫn đến tỷ lệ bị lép hạt rất cao. Để từng bước loại bỏ lúa ma trên ruộng, nhiều nông dân đã nghĩ đến cách thu hoạch lúa ma khi lúa vừa trổ. Với cách làm này, sẽ hạn chế việc lúa rụng xuống đất để sinh trưởng cho vụ sau. Bà Mai Hồng Thắm, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Lúa ma ở đây năm nào cũng có chứ không phải mới xuất hiện mùa này. Tuy nhiên, năm nay do tình hình khô hạn kéo dài nên hạt lúa ma, cỏ dại tự nẩy mầm lên hết, dù gia đình đã tốn nhiều tiền mướn nhân công nhổ bỏ nhưng vẫn không nhổ xuể. Những nơi xuất hiện lúa ma nhiều có thể làm giảm năng suất trên 40%. Vì vậy, vụ này tôi sợ vừa lỗ công, lỗ luôn cả vốn”.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Chủ động phòng trừ cỏ dại, lúa ma là một việc làm cần thiết và không thể thiếu trong canh tác lúa. Tuy nhiên, để phòng trừ đạt hiệu quả, ngoài việc sử dụng thuốc hóa học, bà con nông dân cũng cần kết hợp biện pháp canh tác như: chọn giống tốt, xử lý hạt giống trước khi gieo sạ, vệ sinh đồng ruộng kỹ càng, hạn chế việc sạ chay, gieo sạ với mật độ vừa phải, chăm sóc, bón phân hợp lý… Có như vậy, sẽ giúp nông dân giảm gánh nặng về cỏ dại trong quá trình sản xuất lúa.
Bài, ảnh: Hữu Phước/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: