» » Ưu đãi vốn cho nông dân: Máy nông nghiệp nội vẫn “ế ẩm”

VINAGRI NewsƯu đãi vốn cho nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng chất lượng và công nghệ không đáp ứng được nhu cầu, khiến máy nông nghiệp sản xuất trong nước khó tiêu thụ.


Chất lượng và công nghệ không đáp ứng nhu cầu, khiến máy nông nghiệp nội khó tiêu thụ

Nội địa hóa cao vẫn khó tiêu thụ

Trong lĩnh vực cơ khí, phân khúc thị trường máy nông nghiệp được xem là nhiều tiềm năng do nền nông nghiệp Việt Nam đang trên đà cơ khí hóa để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản. Điểm sáng của thị trường máy nông nghiệp trong nước là các sản phẩm của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM). Với lợi thế có nhiều doanh nghiệp thành viên mạnh như: Cơ khí An Giang, Cơ khí Cổ Loa, Công ty Máy kéo và máy nông nghiệp nên sản phẩm của VEAM có sức cạnh tranh cao đối với các doanh nghiệp trong nước. Một số tên tuổi nữa của ngành cơ khí nông nghiệp cũng được nhắc đến là Hữu Toàn, Hòa Bình, Bơm Hải Dương, Cơ khí Lương thực…

Tuy nhiên, sản phẩm máy nông nghiệp do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ chiếm khoảng 30% thị trường, phần còn lại là nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Nguyên nhân khiến sự cạnh tranh của máy nông nghiệp nội yếu thế trên thị trường là do chất lượng không đồng đều, máy không phù hợp với đặc thù sản xuất canh tác của người nông dân và đặc biệt là giá bán tương đối cao. Nếu so với máy của Trung Quốc cùng chủng loại thì một số máy gặt đập liên hợp, máy gặt lúa cầm tay, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy cày… của doanh nghiệp nội sản xuất thường cao hơn từ 15-20%. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương, người nông dân lại tỏ ra không mặn mà với sản phẩm máy nông nghiệp trong nước. Thậm chí, ngay cả khi được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi theo Quyết định (QĐ) số 63/2010/QĐ-TTg và QĐ số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản thì người dân vẫn “lắc đầu” với máy nông nghiệp sản xuất trong nước. Nguyên do là để được hưởng ưu đãi hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ ba thì nông dân phải mua các loại máy có giá trị nội địa hóa không được thấp hơn 60%. Thế nhưng từ thực tế sử dụng, càng nội địa hóa cao thì máy nội lại càng nhanh hỏng, phụ tùng không chuẩn và khó sửa chữa.

Ông Chu Văn Thiện, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

Nhu cầu sử dụng máy móc phục vụ nông nghiệp của Việt Nam hiện đang rất lớn nhưng nền sản xuất máy, nông cụ ở trong nước lại chậm phát triển, chủng loại máy nghèo nàn, lạc hậu.

Chưa kích được “cầu”

Theo ông Vương Công Toại - Giám đốc Chi nhánh Agribank Hòn Đất (Kiên Giang), việc cho vay vốn theo Quyết định 63 không nhận được sự hưởng ứng của người nông dân bởi đang có vướng mắc là nông dân phải mua máy gặt đập, máy cày… là hàng nội mới được hỗ trợ. Nhưng do hàng nội chất lượng chưa cao, hay bị hư hỏng, nên người nông dân không muốn vay vốn để mua. Nghịch lý đang xảy ra là, dù có được nguồn vốn hỗ trợ nhưng việc kích cầu sản xuất máy nông nghiệp trong nước lại không mấy khả quan.

Được biết, loại máy cần nhất đối với người trồng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là máy gặp đập liên hợp, nhưng sản phẩm trong nước sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế khi sử dụng. Ông Trần Văn Bình (ngụ tại khu Chòm Sao, thị trấn Hòn Đất) cho biết: Nhiều loại máy nông nghiệp của Việt Nam chất lượng không đảm bảo, người dân ở đây cũng không ham rẻ mua máy Trung Quốc mà chỉ dùng máy của Nhật bởi máy nhẹ, dễ sử dụng. “Đắt nhưng hiệu quả kinh tế cao, không bị hỏng hóc và phù hợp với đồng ruộng nên ngay cả những gia đình không có máy phải đi thuê cũng chỉ thuê máy Nhật, bởi cắt máy của Trung Quốc hay Việt Nam thường dễ hư lúa, giảm năng suất” - ông Bình bày tỏ. Được biết, một chiếc máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản có giá khoảng 530- 540 triệu đồng/chiếc, trong khi máy nội chỉ khoảng 300 triệu đồng/chiếc.

Hàng ngàn tỷ đồng cho vay theo Quyết định 63 vẫn nằm yên tại các ngân hàng thương mại. Ngành công nghiệp chế tạo máy của Việt Nam vẫn chưa tiến xa, còn người nông dân vẫn canh cánh nỗi lo cơ giới hóa nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Duy Minh/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: