VINAGRI News - Tết đã gần kề, nhưng hàng trăm nông hộ tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang lâm vào cảnh điêu đứng khi giá mía tụt thê thảm.
Nông dân ở U Minh Thượng đang khốn khổ vì giá mía sụt giảm.
Người dân cho rằng, cây mía rớt giá là do bị DN thu mua ép chữ đường. Bức xúc hơn khi người dân đem mía bán cho một DN ở địa phương khác thì cây mía bị “đuổi” về Kiên Giang. Bản chất sự việc là như thế nào?
Bức xúc chữ đường
Ông Dương Bảo Quốc (ấp Công Sự, xã An Minh Bắc) cho biết: “Trước giờ, vùng trồng mía ở đây đều do Nhà máy đường Bến Nhứt thu mua, nhưng năm nay họ đo chữ đường rất thấp. Hôm rồi, tui chở 2 ghe mía ra ngoài đó, mía chỉ đo được khoảng 7.2 chữ đường, đến khi chở mía sang Nhà máy đường Hỏa Lựu (Vị Thanh, Hậu Giang) thì lại đo cao hơn 1 chữ đường. Thấy vậy, bà con chuyển sang bán mía cho Nhà máy Hỏa Lựu, nhưng chỉ một thời gian ngắn, Cty này bỗng ngừng thu mua. Bây giờ, cứ thấy cây mía của U Minh là họ đuổi về Kiên Giang”.
Ghi nhận thực tế của PV Lao Động, hiện giá mía ở U Minh Thượng chỉ khoảng 620đ/kg, bà con đang rất bức xúc và cho rằng DN thu mua đã cố tình hạ thấp chữ đường trong cây mía. Ngoài ra, nhà máy trả tiền rất chậm, thậm chí nợ kéo dài, khiến người dân càng thêm khổ.
Vụ mía năm nay, toàn huyện có 2.800ha, nhiều hộ bị thua lỗ đến 40 triệu đồng/líp mía (6,4 công), nếu hộ nào vay tiền ngân hàng để đầu tư thì lỗ càng nặng.
Ông Huỳnh Văn Sen (ấp Minh Tiến A, xã Minh Thuận) nói như mếu: “Do trồng mía thua lỗ, nên tui đã phải cầm cố 20 công đất với giá 5 cây vàng để xoay xở. Với tình hình này, không biết bao giờ có tiền để chuộc lại”. Giá mía thấp, nhiều nông hộ đã quyết định neo lại, nhưng càng chờ, giá càng thấp, chữ đường bị sụt giảm, nên bà con đành phải bán đổ bán tháo; nhưng khổ sở hơn, chẳng có người nào chịu mua.
Anh Võ Văn Trường (một thương lái thua mua mía ở địa phương) cho biết: "Tui mua mía của người dân sau đó bán lại cho Nhà máy đường Bến Nhứt, nhưng họ đo chữ đường quá thấp. Đến nay, tui đã bị lỗ vốn 4 lần với số tiền 120 triệu đồng. Bây giờ chẳng có thương lái nào dám mua mía cho người dân nữa".
Sẽ trả tiền trước Tết Nguyên đán
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Nhà máy đường Bến Nhứt tên chính xác là Xí nghiệp đường Kiên Giang (thuộc Cty CP mía đường Tây Nam) có trụ sở tại ấp Bến Nhứt, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng. Làm việc với PV Lao Động, ông Trần Minh Thêm - Trưởng phòng Nguyên liệu Cty CP mía đường Tây Nam- cho biết: Cây mía tiểu vùng U Minh Thượng có chữ đường thấp nhất so với những tiểu vùng khác. Nguyên nhân là do thời tiết, đất, kỹ thuật canh tác của người dân còn nhiều yếu kém, đặc biệt là cách bón phân.
Ông Thêm khẳng định, khi mua mía của người dân, Cty đều công khai việc đo chữ đường chứ không giấu giếm như bà con đã phản ánh.
Ông Thêm nói: "Những cây mía tốt, người dân đem bán cho Nhà máy Hỏa Lựu, còn những loại mía kém chất lượng họ đem bán cho mình và đổ lỗi do Cty ép chữ đường. Ngoài ra, chúng tôi không hề cấm cản người dân bán mía cho Cty khác. Hiện Nhà máy đường Hỏa Lựu cũng đang gặp nhiều khó khăn nên đã giảm sản lượng mía thu mua xuống rất thấp. Giá mía bình quân Cty thu mua là 971đ/kg, có thể do qua nhiều khâu trung gian cộng với chi phí vận chuyển, nên nông dân chỉ bán được 620đ/kg".
Ông Thêm thừa nhận: Do gặp khó khăn về kinh tế (tồn đọng trên 5.000 tấn đường) nên Cty còn nợ tiền mua mía của nông dân và thương lái rất nhiều. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí và sẽ trả nợ cho bà con trước Tết Nguyên đán. Hiện tại, Cty đã nắm được tình hình các thương lái ngừng mua mía cho người dân. Cty cam kết, nếu bà con đem mía đến bán, Cty sẽ thu mua chứ không bỏ rơi nông dân.
Trần Lưu/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: