» » » Xuất khẩu vải tươi đi Mỹ, Australia: Chờ... cơ quan quản lý

Thị trường Mỹ và Australia đều tuyên bố sẵn sàng nhập số lượng lớn nếu quả vải đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Điều đáng nói đến thời điểm này vẫn chưa thấy động thái cụ thể nào từ phía các cơ quan quản lý để hỗ trợ nông dân trong việc đảm bảo kênh phân phối cũng như chất lượng quả vải.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang các thị trường năm 2014

Tới thời điểm này khi mà vụ thu hoạch vải thiều đang đến gần (khoảng từ 1/6 đến 20/7/2015) vẫn chưa có một lộ trình cụ thể, chi tiết nào trong việc định hình đường đi của quả vải sang 2 thị trường quan trọng này.

Vượt rào cản nước ngoài

Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, quả vải và nhãn nhập khẩu vào nước này phải đáp ứng các tiêu chuẩn ATVSTP, phải được trồng ở vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam theo dõi, đảm bảo không có mầm bệnh. Trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ chống ký sinh trùng, mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về nguồn gốc xuất xứ cũng như ATVSTP...

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách NNPTNT cho rằng, để đưa quả vải, nhãn và một số loại hoa quả khác của Việt Nam đến thị trường các nước khó tính và ở xa như Mỹ, Australia, Nhật Bản nhằm bảo quản đảm bảo chất lượng và không làm phát tán dịch bệnh, côn trùng, hai phương pháp có thể được áp dụng là sấy khô và bảo quản tươi đông lạnh. Tuy nhiên, việc bảo quản tươi chỉ là giữ ở nhiệt độ thấp không kiểm soát hoàn toàn côn trùng. Như vậy, biện pháp xử lý chiếu xạ trở thành tối ưu. Thế nhưng, có một vấn đề là lĩnh vực chiếu xạ Việt Nam có tiêu chuẩn chiếu xạ còn nhiều hạn chế, nhiều sản phẩm chiếu xạ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi xuất khẩu. Chính sự yếu kém về công nghệ đang khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam thua thiệt so với nước ngoài, đặc biệt thua thiệt khi vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.

Còn tại thị trường Australia, nước này đưa ra 5 quy định khá rõ ràng đối với vải xuất khẩu của Việt Nam. Thứ nhất, về vùng trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Thứ hai, cơ sở đóng gói phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Thứ ba, bao bì và ghi nhãn phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm... Thứ tư, xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận. Thứ năm, về kiểm dịch lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Austraylia và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp…

Vướng... ở trong nước

Theo thống kê của Bộ Công Thương, rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia...

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ này đang cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai biện pháp tiêu thụ vải thiều cho năm 2015. Dự kiến tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40% ,tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).  Năm nay,  Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ NNPTNT phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015. Cuối tháng 5/2015, Bộ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc và các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều của Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương phối hợp với UBND TP HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2015 khu vực phía Nam, dự kiến tổ chức tại TP HCM vào đầu tháng 6 tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ nông sản Việt Nam khó tiêu thụ là do một mặt chưa có những giải pháp dài hơi, một mặt chất lượng các sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị tham gia vào hàng loạt các FTA, TPP…nông sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới. Ví dụ như, nếu TPP và FTA với Liên minh thuế quan, FTA với EU đi vào thực hiện, nhiều mặt hàng nông - thủy sản, mặt hàng chế biến của Việt Nam gần như được đưa về mức thuế bằng 0%. Việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm hàng hóa của các nước có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách dễ dàng sẽ là cơ hội và điều kiện tốt để sản phẩm nông sản của Việt Nam thâm nhập tốt hơn vào các thị trường quốc tế.

Rõ ràng, người nông dân vẫn chưa rõ đường đi cụ thể của quả vải sang các thị trường mới. Vì vậy, các cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cần nhanh chóng xác định rõ kênh phân phối, có kế hoạch cụ thể cũng như làm rõ doanh nghiệp nào sẽ đứng ra xuất khẩu sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật: “Các nước mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam trước mắt chỉ mang ý nghĩa chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật và chất lượng họ yêu cầu. Còn chuyện các mặt hàng này có trụ lại được và mở rộng được ra hay không thì lại liên quan đến chiến lược quảng bá thương hiệu – một yếu tố mà chúng ta đang vô cùng yếu”.

Giải bài toán chiếu xạ

Cả nước mới chỉ có 30 trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ chủ yếu nằm ở phía Nam, nhưng chỉ có vài ba trung tâm chiếu xạ thực phẩm với quy mô bán công nghiệp, hiệu suất hoạt động chưa cao. Hiện nay vải, nhãn và các loại hoa quả xuất khẩu khác tại phía Bắc sẽ phải đi vòng vào Nam để chiếu xạ vì phía Bắc chỉ có duy nhất một cơ sở chiếu xạ đó là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội tại Cầu Diễn (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Bộ KH-CN). Tuy nhiên, Trung tâm này lâu nay chỉ phục vụ cho nghiên cứu mẫu và phục vụ bên y tế.  Trong khi đó, riêng đối với mặt hàng vải xuất khẩu phía Autraylia yêu cầu  phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận (gồm Cty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty Cổ phần chiếu xạ An Phú đóng ở phía Nam).

Ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN- PTNT:

Để chủ động cho việc chiếu xạ vải, nhãn ngay tại phía Bắc, liên Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN đã thống nhất chỉ đạo giao Cục BVTV khẩn trương phối hợp với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội kịp thời bổ sung, nâng cấp trung tâm này nhằm đáp ứng cho việc chiếu xạ hoa quả xuất khẩu. Tuy nhiên, sẽ phải nâng cấp và đầu tư thêm một số trang thiết bị khác cũng như hệ thống kho chứa, kho lạnh, cơ sở hạ tầng… Cục BVTV cũng đã mời Ban GĐ Trung tâm vào phía Nam thăm hai nhà máy chiếu xạ hiện đại tại TP HCM để họ hình dung được quy trình chiếu xạ trái cây xuất khẩu cũng như học hỏi, áp dụng được tại Trung tâm ở Hà Nội khi đi vào vận hành chiếu xạ cho hoa quả. Đồng thời, Cục cũng đã gửi các yêu cầu về quy định chiếu xạ của Mỹ và Australia cho Trung tâm để họ chủ động nắm quy trình kỹ thuật…...

Một mặt, Cục BVTV làm việc với các cơ quan kiểm dịch thực vật của Mỹ và Australia để sau khi hoàn tất các hạng mục cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội đáp ứng được theo pháp luật Việt Nam, sẽ phải mời chuyên gia của Mỹ và Australia sang trực tiếp kiểm tra. Chỉ khi họ trực tiếp công nhận cơ sở chiếu xạ này đạt yêu cầu thì mới có thể vận hành... Dự kiến cuối 2015, mọi công việc sẽ hoàn thành để đưa cơ sở chiếu xạ này vào hoạt động.

Đúng là hiện nay, mức phí chiếu xạ tại Việt Nam xấp xỉ 1USD/1kg là cao gấp 4 lần so với Thái Lan, gấp 6 - 8 lần so với Trung Quốc. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Do đó, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ như giảm thuế cho công ty kinh doanh chiếu xạ, hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, đi lại cho kiểm dịch viên của Mỹ thì mới có thể giảm giá thành chiếu xạ, để giúp đỡ doanh nghiệp xuất khẩu nhằm kích cầu thị trường.

Thanh – Anh/ Diễn đàn doanh nghiệp

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: